Người Viettel sẽ phát triển qua việc học kịp thời
TS. Bùi Quang Tuyến, Giám đốc Học viện Viettel tin rằng trong tương lai, người Viettel sẽ có nét văn hóa học tập một cách tự nhiên, được trải nghiệm, hòa mình vào môi trường học tập và lan tỏa tri thức hiện đại.
- Thưa anh, thời gian qua, Học viện Viettel đã có chuyển dịch nào góp phần xây dựng môi trường, văn hóa học tập tại Viettel trong kỷ nguyên số?
Từ đầu năm 2020, Học viện Viettel đã chủ động nghiên cứu để tìm ra phương thức học tập mới trên cơ sở ứng dụng công nghệ số nhằm góp phần xây dựng môi trường học tập với mong muốn giúp mỗi CBNV của Tập đoàn có cơ hội học tập mọi lúc mọi nơi, từ đó góp phần hình thành nên văn hóa học tập.
Theo đó, tháng 8/2021, ứng dụng học tập app By Day Learning chính thức đưa vào khai thác trong nội bộ Viettel, đến nay đã có 1.270 bài học ngắn dưới 10 phút (microlearning) với hơn 9 triệu lượt học. Bên cạnh đó, Học viện Viettel chủ động nghiên cứu, phát triển kỹ năng số hóa bài học và tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng này đến hàng trăm CBNV tại các CQĐV trong Tập đoàn.
Những bước tiến trên cho thấy chuyển dịch lớn nhất của Học viện để góp phần vào việc xây dựng môi trường, văn hóa học tập ở Viettel là việc bám sát chủ trương, định hướng về chuyển đổi số của Tập đoàn, chủ động nghiên cứu đưa ra được ứng dụng chuyển đổi số theo các cấp độ: Số hóa bài học, Số hóa quy trình tiếp nhận kiến thức Đưa ra mô hình, cách thức học tập mới.
- Để thực hiện các chuyện dịch ấy, học viện sẽ hướng đến những hoạt động như thế nào thưa anh?
Việc tổ chức các khóa đào tạo luôn bám sát kế hoạch đã được thông qua trên cơ sở nắm bắt nhu cầu đào tạo của các cơ quan đơn vị. Mặc dù, trong những năm qua, khối lượng đào tạo hàng năm do Học viện Viettel tổ chức tăng từ 1.3 đến 1.5 lần.
Tuy nhiên, công tác đảm bảo chất lượng đào tạo luôn là quan tâm ưu tiên hàng đầu của chúng tôi.
Thứ nhất, Học viện đã nghiên cứu đưa ra công cụ quản lý sau đào tạo (ATM) nhằm tạo ra môi trường, cách thức để các học viên đưa ra những hành động cụ thể áp dụng vào thực tế sau mỗi khóa học.
Thứ hai, chúng tôi đã thiết kế công cụ có thể đánh giá trực tiếp tại mỗi lớp học về các nội dung liên quan đến tính hữu ích của chương trình, kiến thức mới tiếp thu được, khả năng chia sẻ lại cho đồng nghiệp, phương pháp giảng dạy, công tác tổ chức lớp học.
Năm 2023, Học viện Viettel đã nghiên cứu, đề xuất và đưa vào triển khai 6 KPI đào tạo nhằm đánh giá chất lượng, hiệu quả đào tạo đến Cấp độ 3 theo mô hình Kirkpatrick: (1) Tỷ lệ học viên đúng thành phần; (2) Khối lượng đào tạo; (3) Mức độ hài lòng; (4) Kết quả thi-kiểm tra; (5) Tỷ lệ đăng ký hành động áp dụng sau đào tạo; (6) Tỷ lệ áp dụng kiến thức thành công.
- Với những thay đổi trong công tác đào tạo, năm 2023 Học viện Viettel sẽ có định hướng quan trọng nào trong việc xây dựng các nội dung?
Chúng tôi thực hiện theo chiến lược đào tạo và phát triển của Tập đoàn với 4 trụ nội dung: Đào tạo năng lực lãnh đạo, quản lý; Đào tạo theo các chuyển dịch chiến lược; Đào tạo năng lực tuân thủ, cốt lõi; Đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ.
Bên cạnh đó, từ năm 2023, Học viện thực hiện các nhiệm vụ mới do lãnh đạo Tập đoàn giao như: Đào tạo văn hóa, giá trị cốt lõi Viettel; Phối hợp đào tạo nâng cao năng lực nghề; Hợp tác đào tạo cấp chứng chỉ; Phối hợp đào tạo khách hàng, đối tác của các đơn vị kinh doanh tại Viettel.
- Năm 2022, anh từng nhắc đến tinh thần “Học suốt đời – Học kịp thời”. Theo anh, tinh thần này đang được lan tỏa ở Viettel như thế nào?
Để thực hiện việc học tập theo tinh thần “Học suốt đời - Học kịp thời”, năm 2023, Học viện Viettel sẽ thực hiện đồng bộ những nội dung công việc như sau:
Thứ nhất là phối hợp với các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là Ban Tổ chức nhân lực, Cơ quan Chính trị để đưa ra các chính sách nhằm nâng cao khả năng, tinh thần tự học, do bởi chỉ có tự học thì mới có thể học kịp những kiến thức, những thay đổi trong mỗi lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ.
Thứ hai là tiếp tục duy trì, bổ sung số hóa nhiều nội dung học tập (dự kiến năm 2023 có lũy kế 2.000 bài học ngắn) bằng cách tổ chức nhiều khóa đào tạo về kỹ năng số hóa nội dung mà giảng viên do chính CBNV của Học viện thực hiện.
Thứ ba là duy trì phát triển chương trình lan tỏa tri thức để nhiều người Viettel cùng tham gia chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cho đồng nghiệp, bằng cách xây dựng, phát triển mô hình được ứng dụng công nghệ số.
- Năm 2023, Học viện Viettel đặt ra mục tiêu là 100% CBNV trong toàn Tập đoàn thấm nhuần văn hóa, giá trị cốt lõi của Viettel. Đây là mục tiêu rất thách thức, điều gì giúp anh tự tin đặt ra mục tiêu này và Học viện có cách làm nào khác biệt, bứt phá để hoàn thành?
Đúng là một mục tiêu rất thách thức nhưng Học viện cũng đã nhìn ra giải pháp để thực hiện. Chúng tôi sẽ lồng ghép nội dung đào tạo về văn hóa Viettel vào các chương trình đào tạo do Học viện tổ chức, đồng thời xây dựng đội ngũ giảng viên nội bộ có đủ năng lực, hiểu biết, tinh thần, trách nhiệm có khả năng tham gia chia sẻ.
Quan trọng nhất, chính là số hóa hàng loạt các nội dung về văn hóa, giá trị cốt lõi Viettel thành những bài học ngắn và chia sẻ trên app By Day Learning để tất cả CBNV Viettel đều có thể học tập mọi lúc, mọi nơi.
- Viettel luôn là một tổ chức học tập, trong tương lai 3 - 5 năm tới anh hình dung sự đóng góp của Học viện Viettel sẽ có kết quả như thế nào?
Tôi tin trong tương lai 3-5 năm tới, người Viettel sẽ sở hữu nét văn hóa học tập một cách tự nhiên. Người Viettel đến cơ quan không phải chỉ làm việc, cống hiến, họ có cơ hội được trải nghiệm, hoà mình vào môi trường học và lan toả tri thức, họ mong muốn được học và có khả năng tự học trong môi trường học hiện đại.
Nói cách khác là người Viettel sẽ luôn phát triển qua những cống hiến, đóng góp và cả trong việc “học kịp thời” của mình.