Thường trực Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam làm việc với Học viện Viettel về "Xây dựng tổ chức học tập thời kinh tế số"
Ngày 27/8, GS-TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cùng với Ban Thường trực Trung ương Hội đã làm việc với Ban Lãnh đạo Học viện Viettel thuộc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội, để nghe trình bày Đề án “Xây dựng tổ chức học tập thời kinh tế số” của Tập đoàn.
Theo TS Bùi Quang Tuyến, Giám đốc Học viện Viettel, hiện nay Tập đoàn Viettel có gần 20 Tổng Công ty, Công ty, Trung tâm, Học viện và 63 chi nhánh tỉnh/Tp, hơn 700 Trung tâm Viettel quận, huyện và 10 Công ty thị trường nước ngoài (ở 10 nước, 3 châu lục: Châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh), nhân sự trên 50.000 người. Năm 2019, Viettel có doanh thu 251.000 tỷ đồng, nộp ngân sách 39.000 tỷ đồng, lớn nhất Việt Nam. Năm 2020, Viettel được quốc tế xếp hạng thứ 30/800 Công ty viễn thông thế giới, xếp thứ 9 châu Á, thứ 1 Đông Nam Á. Tập đoàn Viettel được đánh giá là Công ty có môi trường làm việc tốt nhất toàn cầu về Viễn thông tại giải thưởng Stevie Award for Great Employers 2020.
Mô hình xây dựng tổ chức học tập thời kinh tế số của Học viện Viettel
Theo TS Bùi Quang Tuyến, Giám đốc Học viện Viettel đứng trước nhu cầu cấp bách của thời kinh tế số, Học viện có nhiệm vụ:
- Là nòng cốt xây dựng Tập đoàn Viettel trở thành một tổ chức học tập, đưa văn hóa học tập trở thành lợi thế cạnh tranh của Viettel trong thu hút, giữ gìn nhân tài; trở thành nơi kết tinh tri thức Viettel, lưu giữ, lan tỏa tri thức đến các thế hệ Viettel.
- Góp phần nâng cao năng lực tổ chức, tạo nền tảng cho quá trình chuyển đổi số, nâng cao năng lực CBNV Viettel trong thực hiện chuyển dịch chiến lược, đưa mô hình hoạt động đào tạo Viettel trở thành hình mẫu trong các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam.
Qua trao đổi ý kiến của Thường trực Hội Khuyến học Việt Nam về Đề án xây dựng tổ chức học tập thời kinh tế số của Học viện Viettel, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan đã cảm ơn Ban lãnh đạo Tập đoàn và Học viện đã quan tâm đến sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và đánh giá cao ý tưởng xây dựng tổ chức học tập thời kinh tế số. GS.TS Nguyễn Thị Doan cho biết, đây là nội dung cốt lõi nhất để xây dựng nên mô hình học tập của Tập đoàn. “Mô hình này cần được nhân rộng không những trong Viettel mà còn cho cả các doanh nghiệp trong nước thì sẽ tốt hơn”. Bà Doan cũng chia sẻ với Học viện Viettel “”Cần phải thay đổi cách dạy, cách học”.
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhấn mạnh: “Để xây dựng mô hình học tập trong Tập đoàn, trước hết là phải thay đổi nhận thức về xã hội học tập trong cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý và CBNV trước xu thế chung của thời công nghệ số. Viettel phải có công cụ theo dõi, đánh giá và có bộ khung năng lực theo các nhóm đối tượng để đào tạo tiếp, đồng thời động viên, khuyến khích CBNV, người lao động tham gia học tập và học tập suốt đời, chỉ có như vậy mới không bị tụt hậu”.
GS.TS Nguyễn Thị Doan hoan nghênh "Mô hình tổ chức học tập" của Học viện Viettel và đề nghị Ban Lãnh đạo Học viện, các chuyên gia tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện nhiều các công cụ, phương tiện, công nghệ số, để CBCNV, người học có thể học mọi lúc, mọi nơi. Từ đó, Viettel làm điểm sáng trong hoạt động khuyến học, học suốt đời, học kịp thời, nhân rộng ra trong các doanh nghiệp, các tổ chức, cơ quan đơn vị.
Văn Tiến